Dải đất hình chữ S thật kì diệu. Kì diệu không chỉ ở “rừng vàng biển bạc” đã tạo ra nguồn nguyên liệu tự nhiên quý giá mà còn ở cách người Việt sử dụng những tài nguyên ấy trong bữa ăn của mình, dần dần tạo thành nét văn hóa ẩm thực đa dạng mà vẫn giàu bản sắc. Ở đó, gia vị - một thứ hữu hình đóng vai trò đặc biệt, tạo nên những hương vị vô hình nhưng hữu cảm, hữu tình, khiến người ta nhớ mãi không quên.
Phối trộn hài hòa
Một trong những đặc trưng lớn nhất của ẩm thực Việt Nam chính là sự phối trộn các loại nguyên liệu. Nếu để ý một chút, ta sẽ thấy các món ăn Việt từ bình dân cho đến cao lương mĩ vị đã qua bàn tay của đầu bếp Việt đều có một sự hài hòa nhất định. Sự hài hòa này có thể thấy rõ nhất khi đặt trong tương quan với các nền ẩm thực trong khu vực và trên thế giới. Không quá béo như món Hoa, quá cay như món Ấn hay quá giàu đạm như phong vị Châu Âu, các món ăn Việt Nam có hương vị và màu sắc vừa phải, dung dị nhưng hấp dẫn mọi giác quan. Chính sự tổng hòa, đan xen một cách tinh tế giữa các loại đạm, chất xơ và đặc biệt là gia vị đã tạo nên sự tròn đầy về mùi vị và thẩm mĩ cho các món ăn.
Điều này thể hiện rõ nhất trong các món nộm. Vị chua của dấm, chanh, vị ngọt của đường, vị cay của ớt, vị mặn của nước mắm, vị hăng từ các loại rau thơm và độ béo của lạc hòa quyện khéo léo, tạo ra hương vị hấp dẫn nhất, thôi thúc vị giác của người dùng.
Một bát canh chua ta sẽ thấy màu đỏ của ớt, cà chua, màu vàng của dứa, màu xanh bắt mắt của rau mùi, hành răm, chỉ nhìn thôi đã muốn thưởng thức ngay rồi.
Một bát canh chua ta sẽ thấy màu đỏ của ớt, cà chua, màu vàng của dứa, màu xanh bắt mắt của rau mùi, hành răm, chỉ nhìn thôi đã muốn thưởng thức ngay rồi.
Cân bằng âm dương
Không chỉ là sự phối hợp hài hòa về cảm giác mà mỗi món ăn hay một mâm cơm của người Việt chứa đựng trong mình những giá trị triết học sâu sắc với âm dương phối triển và ngũ hành tương sinh – hai nguyên tắc kết hợp trong nấu nướng nhằm đạt đến vẻ đẹp hài hòa theo đúng tiêu chuẩn mỹ học của người Việt. Nếu nguyên liệu chính có tính lạnh (âm) như trứng vịt lộn phải đi cùng với rau thơm có tính nóng (dương) như rau răm, thịt vịt mang tính lạnh (âm) phải có gừng mang tính nóng (dương) mới ngon. Các món kho, rán, hoặc nướng mang vị mặn, kết cấu sệt, khô (dương) đã có món canh rau thanh mát, dạng nước lỏng (âm) cân bằng lại. Sự cân bằng cả hai trạng thái âm dương khiến cho món ăn trở nên thật hoàn hảo.
Vì thế, trong nấu ăn, người Việt rất chú trọng đến việc lựa chọn từng cặp nguyên liệu và gia vị thích hợp sao cho đạt đến trạng thái Ngũ hành tương sinh, đưa hương vị và tác dụng bổ dưỡng của món ăn đến giá trị cao nhất của nó. Trong một bát phở, ta thấy có sự kết hợp của mọi chất liệu, mùi, vị, màu sắc: thịt bò nạc (Thổ), nạm gàu béo (Hỏa), nước dùng mặn (Kim), cái cay của dấm ớt va gừng (Thủy), cùng cái chua của chanh tươi vắt trên mặt (Mộc).
Khơi tạo nét riêng
Gia vị của Việt Nam rất phong phú nhưng có lẽ đặc trưng nhất, không chỉ khó quên với người Việt mà làm ngạc nhiên các thực khách quốc tế, đó chính là nước mắm. Không ở đâu trên thế giới có một loại gia vị đặc biệt đến thế. Từng giọt mắm mang trong mình cái sánh quyện của thời gian, vị mặn mòi của biển cả, mùi thơm nồng của sự tận tâm. Từ nước mắm lại cùng sự gia giảm và nêm nếm khác nhau, người Việt tạo ra những thức nước chấm tinh tế phù hợp với từng món ăn. Nem phải dùng nước mắm tỏi ớt, ốc dùng nước mắm gừng, đậu chấm mắm tôm,…
Bên cạnh nước mắm, cũng có nhiều gia vị được chế biến theo phương pháp truyền thồng, bằng sự lên men của các gia vị tự nhiên, như tương, xì dầu có vị bùi béo đặc biệt. Cũng từ đó, nước chấm trở thành một phần trong bữa ăn Việt, một nét văn hóa chẳng thể trộn lẫn, dung dị nhưng lâu bền. Dù dùng để nấu trực tiếp hay dùng làm đồ chấm, các gia vị này cũng đều khiến các món ăn trở nên hấp dẫn, phù hợp với khẩu vị người Việt, trở thành thương hiệu của Việt Nam.
Một điều đặc biệt nữa trong ẩm thực Việt Nam là tuy sự phối trộn hài hòa trong các món ăn nhưng cách gia giảm của mỗi vùng miền lại có một nét riêng. Nếu như món ăn miền Bắc có vị vừa phải thì người miền Trung lại ưa dùng các món ăn có vị đậm hơn, nồng độ mạnh, còn ẩm thực miền Nam thiên về độ ngọt, độ cay. Có thể thấy rõ điều này qua các đặc sản của từng miền.
Chắt lọc tinh hoa ẩm thực Việt trong từng sản phẩm, TrungThành Foods mang cho căn bếp của bạn những gia vị làm dậy lên hương vị Việt, cốt cách Việt, truyền thống Việt, để dù ở đâu, bạn cũng luôn nhớ đến hình bóng quê nhà. Cũng vì thế mà yêu thương và gìn giữ ẩm thực quê hương.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét