Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn hóa ẩm thực. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn hóa ẩm thực. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Nhắc đến Bắc Giang không thể không nhắc đến vải thiều - một loại quả nổi tiếng thơm ngon và bổ dưỡng. Vải thiều xưa là thức ăn chỉ dành để dâng lên vua chúa. Bên cạnh đó còn có cam đường canh, bưởi diễn, bánh đa kế…Và còn thiếu sót hơn nếu như không nhắc đến mỳ Chũ. Mỳ Chũ là sản phẩm của làng nghề Thủ Dương, Nam Dương (Lục Ngạn), đây là một làng nghề truyền thống đã hình thành từ lâu đời.

Chỉ cách thị trấn Chũ (huyện lỵ Lục Ngạn) một cây cầu bắc qua sông Chũ, thôn Thủ Dương cũng như nhiều địa phương khác ở Lục Ngạn, Thủ Dương trồng khá nhiều vải thiều nhưng thu nhập chính của người dân trong thôn lại từ nghề làm mì gạo. Nếu có dịp đến với vùng đất Bắc Giang bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món ăn đặc biệt này và cũng không quên mua làm quà cho người thân, bạn bè để cùng thưởng thức đặc sản của vùng đất Lục Ngạn.

Mỳ Chũ là đặc sản nức tiếng gần xa của vùng đất Bắc Giang

Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến vùng đất này là màu trắng của những giàn bánh tráng phơi dựa vào các tường xây bao quanh nhà ở, vườn cây của các gia đình.

Tìm đến các hộ sản xuất trong làng nghề mì Chũ thôn Thủ Dương, bạn sẽ được tận mắt tìm hiểu công đoạn sản xuất mì Chũ nổi tiếng. Nguyên liệu để làm ra mỳ Chũ là một loại gạo truyền thống nổi tiếng thơm dẻo - bao thai Hồng, hơn nữa lại được trồng trên vùng đất đồi Chũ, những cây lúa chắt chiu dinh dưỡng, hình thành bông từ mảnh đất đồi sỏi đá. Có lẽ chính vì vậy mỳ nơi đây mang một hương vị không thể nào lẫn được so với các nơi khác.

Để tạo ra những sợi mỳ vừa dai, vừa ngọt bùi, người làng Thủ Dương phải tiến hành rất nhiều công đoạn hết sức công phu. Quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu. Gạo làm mỳ phải là những hạt gạo trắng trong, căng mẩy được nhặt sạch, vo kỹ rồi ngâm trong nước khoảng 8 giờ đồng hồ, sau đó bỏ ra xay nhuyễn thành một thứ bột trắng tinh, sánh và dẻo; rồi được lọc đi lọc lại nhiều lần, tiếp đó ủ qua một đêm. Từ tờ mờ sáng, người làm bánh đã phải dậy sớm đem bột ra tráng thành bánh để kịp phơi cho được nắng. Bánh tráng chỉ được phơi khi trời nắng, nếu thời tiết không thuận lợi người làm nghề sẽ dừng việc sản xuất, nếu không bánh đưa vào lò sấy không đảm bảo chất lượng.

Khi bánh khô sẽ đem trần mỡ (mỡ lợn đã rán) rồi ủ, gấp bánh để sáng hôm sau thái bánh thành sợi và lại tiếp tục đem phơi khô, bó thành từng bó mì và đóng gói thành phẩm.

Một mẻ bánh thường có ít nhất ba người làm, mỗi người thạo một khâu riêng. Người tráng bánh lo cho bánh chín đúng độ, người cắt bánh lo cắt sao cho đều, người đem phơi, đem ủ và thái thành những sợi mì đều đặn…

Mỳ Chũ chắc chiu tinh hoa của hạt gạo, tình người Bắc Giang

Ngay cả việc cuộn và bó sao cho các sợi mì sóng đều, mượt trông đẹp như búi tóc của người thiếu nữ cũng là cả một nghệ thuật mà không phải là người làm mì nào cũng thực hiện được. Thường phụ nữ đảm nhận khâu này để sao cho bó mì chắc, đẹp và đều nhất.

Tổng cộng từ các nguyên liệu, người thợ phải thực hiện rất nhiều quy trình trong hơn 36 giờ mới cho ra đời những sợi mì đặc sản dẻo, dai và mỏng manh.

Hiện làng nghề mì Chũ thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn có trên 300 hộ sản xuất mì gạo, chiếm tới 85% số hộ của làng. Trong đó có hơn 100 hộ tham gia Hội sản xuất và tiêu thụ mì Chũ Lục Ngạn.

Bình quân mỗi ngày làng nghề sản xuất và tiêu thụ gần 30 tấn mì gạo, trong đó Hội sản xuất mì Chũ sản xuất và tiêu thụ 10 tấn, giá trị thu được của làng nghề gần 8 tỉ đồng mỗi năm.

Mỳ Chũ có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau: Nhúng để ăn lẩu, xào hoặc làm phở… Dù có chế biến như thế nào thì mỳ Chũ vẫn giữ được hương vị riêng. Những sợi mỳ dẻo dai, đậm đà có thể làm hài lòng bất cứ thực khách khó tính nào khi thưởng thức.

Đặc điểm nổi trội nhất của mì Chũ là nếu chưa kịp ăn ngay khi để nguội vẫn không bị nát mà vẫn giữ được hương vị riêng. Bởi vậy, đặc sản mì Chũ ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, nức tiếng gần xa và dần khẳng định mình so với các loại mì khác.

Do đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời là sản phẩm an toàn cho sức khỏe nên hiện nay mỳ Chũ là sản phẩm hết sức quen thuộc với các bà nội trợ từ Bắc vào Nam.

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Món ngon Hà Nội là một trong những nét quyến rũ khiến những người con Hà thành cứ đi xa là nhớ, những du khách từ mọi miền đến đây đều lưu luyến. Hãy cùng Bếp Vị Quê điểm lại 8 món ngon Hà Thành mà các bạn “nhất định phải thử 1 lần trong đời” nhé !

Phở, món ăn không thể thiếu của người dân Hà Thành


Phở là món ăn truyền thống của Việt Nam và là món ăn không thể thiếu trong đời sống thường ngày của người dân Hà Thành. Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng cùng với thịt bò hoặc gà cắt lát mỏng. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt,.. tùy theo khẩu vị của từng người dùng. Phở thông thường dùng làm món ăn điểm tâm hoặc ăn tối. Phở còn được ăn kèm cùng hành, giá và những lá cây rau mùi, rau húng, trong đó mùi tàu là loại lá đặc trưng của phở.

Phở có nhiều loại, bên cạnh phở bò phổ biến còn có phở gà, phở heo, phở tôm... Chính những hương vị đậm đà của nước dùng và ấm áp của một tô phở nóng hổi làm cho những người con Hà Thành cứ đi xa lại nôn nóng trở về quê hương để thưởng thức một tô phở nóng. Hà Nội có nhiều quán phở nổi tiếng như Phở Cồ Cử: trên đường Liễu Giai cắt Kim Mã; phở Mậu Dịch phố Lý Quốc Sư, phở Thìn ở Lò Đúc... Du khách có thể chọn bất cứ quán phở nào đó để làm điểm đến dừng chân cho mình tại Hà Nội.

Chả cá Lã Vọng, niềm tự hào của người dân Hà Nội

Chả cá Lã Vọng là tên của một món ăn đặc sản tại Hà Nội, là niềm tự hào của người dân Hà Nội. Tác giả Patricia Schultz đã đưa món chả cá Lã Vọng vào cuốn "1.000 nơi nên biết trước khi chết" (1000 Places to See Before You Die). Hãng tin MSNBC chọn nhà hàng Chả cá Lã Vọng Hà Nội ở vị trí thứ 5 trong 10 nơi nên biết trước khi chết (2003).


Chả cá mang hương vị độc đáo nơi thủ đô được làm từ cá lăng, cũng có thể thay bằng cá nheo hay cá quả nhưng cá lăng vẫn đem lại hương vị thơm ngon nhất. Cá được đem tẩm ướp rồi nướng trên than sau đó rán lại trong chảo mỡ.

Căn nhà số 14 phố Chả cá của gia đình họ Đoàn là nơi bắt nguồn của món ăn độc đáo này. Với hương vị thơm ngon, có thể nhâm nhi với rượu cho một mùa đông ấm áp hay thưởng thức cùng bia trong ngày hè nắng nóng, món chả cá Lã Vọng đã làm cho biết bao nhiêu con tim xa xứ phải nhớ đến. Nếu không muốn đi ăn ở ngoài quán, bạn có thể mua cá lăng về và chế biến thành món chả cá đúng chất Hà Nội.

Bún đậu mắm tôm món ăn dân dã, quen thuộc


Một món ăn dân dã mà không kém phần hấp dẫn khi nhắc đến Hà Nội chính là món bún đậu mắm tôm. Nguyên liệu chính của món ăn này chính là bún, mắm tôm, đậu rán, một ít lát chả giò và rau thơm. Chính vì thế mà món bún đậu mắm tôm ở Hà Nội được rất nhiều học sinh, sinh viên và người dân lao động ưa chuộng.

Biến tấu một chút từ món ăn này, du khách có thể thưởng thức món bún đậu mắm tôm ăn kèm với chân giò luộc, chả cốm, nem… cũng tạo nên một món ăn khá hấp dẫn.

Với vị thơm đặc biệt chỉ có ở mắm tôm, vị giòn của đậu rán, thêm một chút xanh từ rau thơm sẽ phải khiến những thực khách khi thưởng thức món ăn này sẽ lại muốn thưởng thức thêm một lần nữa. Du khách có thể thưởng thức món bún đậu mắm tôm ở 104 C3 khu Nghĩa Tân, Cầu Giấy; bún đậu đầu phố Phan Phù Tiên; bún đậu Việt, Hàng Khay...chắc hẳn du khách sẽ luôn nhớ tới món ăn thơm ngon, hấp dẫn khi rời xa Hà Nội.

Bánh tôm Hồ Tây nét đặc trưng của ẩm thực đất kinh kỳ

Bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến Hà Nội đều muốn thưởng thức món bánh tôm Hồ Tây. Đây là một nét đặc trưng trong nền ẩm thực của mảnh đất kinh kỳ. Món bánh tôm Hồ Tây thu hút bởi vị giòn béo của bánh đa bọc ngoài và vị ngọt ngào của những chứ tôm bên trong.


Bánh được làm từ tôm nước ngọt hồ Tây bọc bột mì cho vào chảo mỡ nóng ngập bánh cho chín tới. Khi bánh phồng lên và ngả màu vàng có mùi thơm ngậy thì lấy bánh gác lên hai que đũa xếp ngang chảo cho ráo mỡ. Khi ăn bánh nóng, bạn có thể ăn cùng với nước chấm vị chua, ngọt và cay, thêm chút dưa món sẽ cho món ăn thêm đậm đà. Bánh tôm ăn cùng rau xà lách, có thể thêm bún rối và rất hợp với bia. Rất đúng với phong cách Hà Thành.

Bánh tôm Hồ Tây càng xa lại càng nhớ bởi bánh tôm đã xuất hiện từ năm 1970-1980, bánh tôm đã đi vào đời sống thường nhật và chan chứa bao nhiêu kỷ niệm trong ký ức của nhiều thế hệ nơi đây. Bạn có thể thưởng thức món bánh tôm Hồ Tây vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

Bún chả món ăn phổ biến ở Hà Nội


Bún chả là món ăn ở miền Bắc Việt Nam, phổ biến nhất là ở Hà Nội. Món ăn này có nét tương tự như món bún thịt nướng ở miền Trung và miền Nam, nhưng nước dùng có vị thanh nhẹ hơn. Chính hương vị thanh nhẹ này đã gây nên nỗi nhớ đối với người con Hà Thành khi đi xa.

Bún chả thường có cùng một lúc hai loại chả: Chả viên và chả miếng. Được mướng trên than củi. Bún dùng trong chả thường là bún rối, thường vắt thành những cuộn chặt, vừa một lần gắp. Bún ăn kèm với rau sống. Khi bày trên bàn ăn sẽ gồm 2 bát: một bát là bún và một bát là chả hòa với nước mắm pha loãng cùng đu đủ, cà rốt…

Để thưởng thức món bún chả thanh tao tại Hà Thành, du khách có thể đến quán bún chả Đắc Kim, phố Hàng Mành; bún chả Duy Diễm, bún chả Sinh Từ…

Chân gà nướng

Ở Hà Nội, phố Lý Văn Phức (con phố nhỏ trên đường Nguyễn Thái Học) là nơi có chân gà nướng ngon và nổi tiếng nhất. Cả phố Lý Văn Phức đều bán chân gà nướng nhưng thực khách “đồn” nhau rằng quán cuối cùng là quán ngon nhất.


Cánh và chân gà được nướng thơm phức, ăn kèm khoai lang và bánh mỳ phết mật ong, dưa leo ngâm dấm, chấm chút tương ớt… là món ngon mà du khách không thể chối từ khi đến với Hà Nội. Vị thơm và giòn của chân gà nướng khiến bất cứ du khách nào khi đi xa ta lại luôn nhớ về Hà Nội.

Kem Tràng Tiền làm say lòng bao thế hệ người dân Thủ đô

Kem Tràng Tiền từ lâu đã nổi tiếng với hương vị đặc biệt làm say lòng không biết bao thế hệ người Hà Nội và làm cho những con người này phải lưu luyến nhớ về khi phải chia xa. Những ai một lần đến Hà Nội và được thưởng thức kem Tràng Tiền thì khó có thể quên nét văn hóa ẩm thực đặc trưng rất riêng của Hà Nội - vừa đứng vừa ăn kem. 



Kem Tràng Tiền nổi tiếng với vị béo ngậy với những hương vị khác nhau từ sô cô la, đậu xanh, cốm, sữa, vani… vừa hiện đại, vừa truyền thống hòa lẫn trong một cây kem mát lạnh. Kem Tràng Tiền ra đời từ năm 1958 và từ đó đến nay luôn nhận được sự tin yêu từ phía thực khách không chỉ người Hà Nội nói riêng và bất cứ du khách nào khi xa Hà Nội cũng không thể quên được món kem Tràng Tiền.

Kem Tràng Tiền đông nhất là vào mỗi chiều tối, từ học sinh đến người đi làm, từ trẻ đến già đều hội họp đến nơi đây, chen chân mua cho mình được một cây kem béo béo, lạnh lạnh như một cách giải stress sau một ngày làm việc căng thẳng. Đó dường như đã trở thành một thói quen trong đời sống của người dân Hà Nội.

Phở cuốn, nét chấm phá của ẩm thực Hà Thành

Ở Hà Nội, nơi bán phở cuốn nhiều và nổi tiếng nhất có lẽ là phố Ngũ Xã. Chẳng ai biết phố Ngũ Xã được gọi là phố phở cuốn từ bao giờ, nhưng chỉ biết rằng cho đến thời điểm bây giờ thì chỉ đếm sơ thôi, còn phố này cũng đã có tớ gần chục hàng phở cuốn san sát gần nhau.

Cùng là những nguyên liệu như bánh phở tráng mỏng, thịt bò, rau thơm… vậy nhưng lại dễ thấy quán này đông khách quán kia vắng khách. Nguyên nhân tất cả nằm ở bí quyết cuốn phở và pha nước chấm rất riêng của mỗi cửa hàng. Thường thì ai cũng nghĩ rằng cuốn phở thật đơn giản, vậy nhưng mọi chuyện lại chẳng dễ dàng nếu không quen tay và khéo léo.


Phở cuốn muốn ngon là phải được cuốn bằng miếng bánh phở trắng ngần, mỏng nhưng dai và không bị bở, có vậy khi cuốn mới ngon và hấp dẫn. Thành phần chính của phở cuốn chính là thịt bò được xào tái tỏa hương thơm hấp dẫn và còn nóng. Thịt bò được xếp nằm ngay ngắn trong miếng bánh phở, sau đó, người làm nhanh chóng chọn những cọng rau tươi mơn mởn xếp cùng.

Thông thường, rau ngổ, rau xà lách và rau mùi là ba loại rau được “chuộng” nhất để phục vụ cho việc cuốn phở. Tuy nhiên, nhiều nhà hàng thường chỉ chọn một trong ba loại rau này để cuốn mà thôi. Thế nhưng, khách sành săn thường yêu cầu phải có cả ba loại rau này, bởi đó mới thật sự đúng vị và dậy mùi đặc trưng của phở cuốn.

Sau khi đã chọn nguyên liệu đầy đủ, việc tiếp theo là cuốn miếng phở lại cho thật đẹp mắt và xếp vào đĩa. Công việc tiếp theo là pha nước chấm cho món ăn này. Nước chấm của phở cuốn phải có đủ những vị chua, cay, ngọt, mặn, trong đó nổi lên những miếng đu đủ cà rốt được tỉa khéo để làm tăng hương vị của món ăn.
Vào những buổi chiều tại Ngũ Xã bạn có thể bắt gặp những hình ảnh thực khách xếp hàng để thưởng thức món phổ cuốn thơm ngon, hấp dẫn khiến bất kỳ ai đi xa cũng nhớ về.

Chúc bạn ngon miệng với những món ăn ngon, nổi tiếng của Hà Thành trên đây!

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Sò quéo là một loại hải sản thuộc mặt hàng hiếm, được nhiều người ưa thích. Về miền Trung đừng bỏ qua món này nhé!

Cùng với những loại ốc, sò sống ở vùng đầm biển, sò quéo là một trong những loại hải sản thuộc mặt hàng hiếm, được nhiều người ưa thích.

Sò quéo nướng mỡ hành cực thơm ngon

Về mặt hình thù, sò quéo có phần tương tự như con vẹm xanh nhưng to hơn. Thân của nó được cấu thành từ hai mảnh vỏ hình hạt xoài úp lại. Những mảnh vỏ này không thẳng mà ở giữa tự dưng cong quéo, có lẽ vậy mà người ta gọi là sò quéo.

Theo một số người dân ở biển, sò quéo không nhiều lắm nhưng có khắp dọc dài vùng biển miền Trung và Nam bộ, nhất là vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận. Người ta lặn bắt sò quéo trong các gành, rạn đá hoặc chúng thường đu bám bên ngoài các lồng bè nuôi tôm hùm, nuôi ốc hương để ăn ké mồi.

Sò quéo thịt rất ngon, có thể chế biến thành những món dân dã như nướng mỡ phi hành, hấp, luộc hoặc nấu cháo đều ngon mà bổ dưỡng.

Sò quéo thịt rất ngon và bổ dưỡng
Món sò nướng mỡ hành thì sau khi rửa phần vỏ sạch, con sò được tách làm đôi, phần thịt sò còn dính trong một bên vỏ, ta đem nướng ngửa trên lửa than, khi than đượm phần thịt trong vỏ sò sôi lên và chín, lúc đó cho ít hành phi dầu sẵn đổ vào thì thịt sò đã ngon lại càng hấp dẫn hơn.


Riêng món hấp hoặc luộc gần như nhau, chỉ khác một điều là có đổ nước vào nồi hay không đổ nước mà thôi. Vẫn rửa sạch, vẫn gia vị rồi đậy nắp nấu. Thế nhưng món hấp được nhiều người chuộng. Món này nước rất ngon, khi sò chín, phần thịt bên trong vàng ruộm, ăn ngọt và thơm. Sò hấp hay luộc đều đậm đà, chấm với muối tiêu hay nước mắm gừng. Sò nấu cháo thì cũng đem luộc, lấy phần nước sò đem nấu cháo rồi gỡ lấy phần thịt đem khử ít dầu, đợi cháo chín thì trút vào, nêm gia vị.

Một bữa ăn sò quéo ngon, chúng ta thường tạo một “bản nhạc đồng ca” cho sò quéo đi cùng. Ban đầu ta ăn món nướng. Nướng chín con nào ăn nóng con nấy mới cảm giác đã đời làm sao. Rồi có thể chuyển sang món sò hấp, luộc và cuối cùng là kiếm chút cháo sò cho mát lòng mát dạ...

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Trong mỗi buổi cơm sáng hay cơm chiều, người ta thường chọn đậu phụ làm món chủ đạo cho bữa ăn gia đình. Đậu phụ trong bữa ăn thường là rán, luộc hay kho thịt, rim tiêu... Mỗi món ăn đều có những gia vị và cách chế biến khác nhau làm nên khúc biến tấu đầy sắc màu của thứ quà dân dã và bình dị này.


Dẫu vậy, người Hà Nội vẫn nặng lòng với một món cũng làm từ đậu phụ nhưng mang hương vị quen mà lạ: đậu phụ nướng. Ngay từ trong cái tên thô mộc ấy, thực khách đã cảm nhận cả cái ấm nóng, cái vồn vã và bình dân không lẫn vào bất kỳ món ăn nào.

Buổi tối, lang thang trên phố Bạch Mai hay những con hẻm sâu hun hút ở hút làng Mai Động, nghe tiếng từng tốp trai thanh, nữ tú gọi từ một quán nhỏ với vài sập ghế bên vỉa hè cái tên quen “đậu phụ” nhưng đầy lạ lẫm với động từ “nướng”. Khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng: “Đậu phụ, sao mà nướng được?” Điều tưởng chừng lạ lẫm ấy tạo nên duyên để níu chân người khách lạ. Đâu đó trên những con phố, ta sẽ bắt gặp hình ảnh thân quen của bà già gánh một bên là cái chậu sành, bên trong nóng ấm với tro bếp và phủ trên là than hoa cháy rực rỡ, còn một bên là cái thùng ngâm đậu phụ sống trong nước.


Khi có khách gọi, bà hàng “đậu phụ nướng” dừng bước chân, dỡ trên vai gánh hàng rong đặt nhẹ xuống đất, sắp sắp vài chiếc ghế con xung quanh, mâm ăn đặt trên cái thùng đựng đậu. Trên mâm là bát mắm tôm đã vắt chanh, được quấy sủi bọt thành dạng kem, mềm và xốp, một đĩa nhỏ rau kinh giới đã rửa sạch, vài quả ớt xanh đỏ, cay nồng và không thiếu một đĩa gia vị muối chanh cho những khách không quen ăn đậu phụ với mắm tôm

Một bếp than hồng nho nhỏ, một bà hàng gầy gầy một bên tay cầm chiếc quạt nan nhè nhẹ làm hồng những hòn than đang ngủ, tay kia trở những bìa đậu cho đến khi vàng, khách gọi thì nhấc ra khỏi vỷ nướng, đặt nhẹ nhàng trên chiếc đĩa sứ trắng tinh. Khách ẩm thực nhìn nhau trầm trồ tán dương cái vị không dễ quên ấy, ấm nóng thấm sâu đến tận con tim.

Thú thưởng thức đậu phụ nướng phải dùng tay để bẻ từng miếng đậu, quệt ngang trên mặt bát mắm tôm xinh xinh, rồi tay kia nhón vài cọng kinh giới, cắn một miếng ớt bỏ vào miệng cay nồng, chao ơi, đấy mới là “cực điểm” của cái ngon. Đối với khách là những đấng nam nhi, sẽ thú hơn nếu trước mỗi miếng đậu không quên làm một “tợp”rượu, cái ngất ngây của men say, ấm nóng và cay nồng của ớt, cái thơm, bùi béo của đậu sẽ làm ấm lòng người trong cái lạnh của gió đêm thu hay ngày đông trở mình.


Đậu phụ ngon thường là đậu Mơ - thứ đậu lưỡi mèo đem theo cái tinh khiết của nước giếng chùa. Khu vực làng Mai Động, Hoàng Văn Thụ xưa là xứ “kẻ mơ” thường có thú đãi khách bằng “đậu phụ nướng” và “nước đậu” (đậu tương xay, lọc lấy nước, cho chút muối rồi đun sôi). Những gia đình làm đậu để bán, mỗi sáng tinh mơ đi chợ, các bà đều không quên để lại cho chồng một vài bìa đậu bắt mắt nhất, ngâm trong nước đun sôi để cho cánh đàn ông nướng nhắm rượu và cũng không quên để phần một bát nước “đậu xay” để làm giã rượu và thỏa mãn cái thú ẩm thực bình dân.

Món quà dân dã ấy gởi lại trong lòng người Hà Nội bao điều nhung nhớ mỗi tiết thu hay khoảnh khắc sang đông. Một thứ quà dân dã làm ấm tình nhau… để rồi khi chân bước qua những con phố như Hoàng Văn Thụ, Bạch Mai, Hai Bà Trưng…, lòng lại thầm gọi tên “đậu phụ nướng”

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Bánh cốm thường là một lễ vật không thể thiếu trong những đám hỏi xứ Kinh kỳ. Bên cạnh trầu cau, rượu thuốc, trái cây... nhà trai bưng đến nhà gái trăm chiếc bánh cốm, trăm chiếc bánh xu xuê. Màu đỏ của bánh xu xuê giao hòa với màu xanh của bánh cốm, như mong duyên của đôi trẻ trăm năm thắm đượm.


Bánh cốm có thể làm bằng cốm tươi hoặc cốm khô, nhưng dĩ nhiên, bánh cốm tươi vẫn là ngon nhất.
Làng Vòng (nay là phường Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy) nổi tiếng về cốm tươi, thế nhưng nhắc đến bánh cốm, phải kể đến bánh cốm Hàng Than, sản xuất ngay tại những gia đình trên dốc Hàng Than
“Ông tổ” của loại bánh độc đáo này là cụ tổ Nguyễn Duy của dòng họ với hàng bánh cốm Nguyên Ninh, số 11 phố Hàng Than, những chiếc bánh cốm đầu tiên ra đời tại đây vào năm 1865.

Những người già trong phố cổ Hà Nội kể lại, trước năm 1989 chỉ có một vài nhà làm bánh cốm, đến nay có gần 50 cửa hàng khắp phố, nổi tiếng nhất là các thương hiệu bánh cốm An Ninh (43 Hàng Than), Nguyên Ninh (11 Hàng Than), Nguyên Hưng (79 Hàng Than)...


Tôi từng xem tận mắt một gia đình trên phố này làm bánh cốm thủ công và hiểu vì sao bánh cốm ở đây được chuộng đến thế.

Bánh cốm Hà Nội khác hẳn bánh cốm tại các tỉnh thành khác. Nó không trọng về khối lượng, kích thước mà trọng về mùi vị. Mỗi chiếc bánh mỏng, dẹt, có thể nhìn rõ cả lớp đậu xanh vàng óng trong nhân bánh. Lớp cốm dẻo mịn, màu xanh ngả vàng tự nhiên chứ không xanh biêng biếc.

Cốm tươi xào với đường trong một chiếc chảo lớn cho cốm, đường quyện vào nhau. Đậu xanh hấp chín, nghiền mịn, trộn đều cùng đường cát, mứt bí, mứt hạt sen. Phết một lớp dầu ăn trên tấm lá chuối tươi, trải một lớp cốm xào đường, một lớp nhân đậu xanh, phủ một lớp cốm nữa, ép chặt lại, thế là thành món bánh cốm, ngửi thôi đã mê, chưa nói đến ăn.


Bánh gói trong một lớp nilon, đặt trong một chiếc hộp vuông màu xanh lá mạ. Sản xuất với số lượng lớn phục vụ đám cưới, hỏi của hàng ngàn người khắp các tỉnh thành, các công đoạn xay cốm, xào cốm tại Hàng Than có sự giúp sức của máy móc. Chỉ đến khi đóng gói bánh cốm mới làm bằng tay Mỗi gia đình trên phố Hàng Than đều có một chiếc kệ sắt lớn, chia thành nhiều tầng, mỗi tầng đặt vừa đủ một chiếc mẹt tre để “hong” bánh. Bánh cốm làm xong, cho vào giấy bóng, phải mất nửa giờ xếp trên mẹt tre để bánh ráo, rồi mới đóng vào hộp giấy.

Mỗi chiếc bánh để được từ 3 -5 ngày, nhưng ăn ngon nhất là sau khi bánh làm được vài giờ. Lớp cốm dẻo quánh dậy mùi thơm của hạt cốm tươi, chút nhân đậu xanh, mứt bí ngọt ngào níu người ăn, chẳng ai nỡ lòng nào cắn một hai miếng mà hết ngay chiếc bánh dù nó mỏng dính, mềm mại.

Tháng 3, đi ngang trên bất cứ cung đường nào của Hà Nội, gặp những chiếc xích lô chầm chậm trôi trên phố chở theo những chị những anh là lượt áo dài, mặt tươi như hoa, bưng theo những tráp trầu cau, bánh cốm, xu xuê phủ lụa đào, ấy là tôi biết một đôi trai gái sắp thành duyên.


Thi thoảng, nhận được quà của bạn tặng, một chiếc bánh cốm, một chiếc bánh phu thê, nói là bạn sắp lấy chồng, tự dưng, tôi thấy háo hức, nao nao, kiểu như chính mình sắp trở thành nhân vật chính trong ngày trọng đại.

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Cứ về Hà Nam, hỏi đường về làng Vũ Đại, xã Hòa Hậu (huyện Lý Nhân, Hà Nam) của nhà văn Nam Cao là nhiều người vừa chỉ đường vừa cười mủm mỉm “về mua cá kho hả?”



Cá kho làng Vũ Đại, những khúc cá trắm đen dậy mùi riềng trong nồi đất đã theo xe khách, lên máy bay đi từ Nam chí Bắc, chễm chệ trong siêu thị Sài Gòn, thậm chí còn theo chân bà con Việt kiều ra nước ngoài. Tưởng là nghề xưa trong làng, hóa ra lại là nghề mới, nên duyên vì một sự tình cờ.

Thành nghề vì tình cờ

Ông Trần Bá Luận, sinh năm 1955, chủ một “cơ sở” kho cá ở xóm 1, Hòa Hậu, cho biết bố ông tên Trần Bá Nhuận, gia đình nghèo khó nên xưa vào Thanh Hóa nấu ăn thuê cho Pháp. Năm 1954, Pháp thua rút khỏi Việt Nam, ông Nhuận chuyển sang nghề buôn nồi đất từ Thanh Hóa, Nghệ An ra các tỉnh ngoài Bắc. Những năm đi nấu ăn thuê giúp ông Nhuận học được dăm bảy bí quyết nấu ăn, nêm nếm gia vị, nhưng món cá kho của nhà ông chỉ được kho mỗi khi tát ao độ tết và cũng chỉ để ăn trong nhà.

Từ năm 1998, khi lần lượt các con ông Luận đi học xa, phải ở trọ, thỉnh thoảng muốn có món quà biếu thầy cô ngày tết, ông kho một nồi cá để con mang đi lễ thầy, có lúc lại mang biếu khách quý của nhà. Cá được kho bằng nồi đất, ủ trong lửa trấu cả chục tiếng đồng hồ nên xương nhừ thấu, vậy mà thành một cái vị lạ lùng, người ăn cứ tấm tắc khen ngon.


Rồi cũng chính họ, quen cái vị thơm bùi của món cá lại đặt ông kho giúp nồi cá vào những dịp lễ tết. Chừng vài năm nay, kho cá bán mới thật sự trở thành nghề của gia đình ông, khi người con trai út vào đại học đã làm hẳn một trang web giới thiệu tỉ mỉ về món cá kho của làng Vũ Đại - cái tên mà nhà văn Nam Cao đã đặt cho làng Đại Hoàng nơi ông ở.

Nay thì vài nhà trong làng Vũ Đại kho cá bán cho thiên hạ. Những ngày giáp tết, cơ sở kho cá của bà Trần Thị Xuyến (xóm 11) lúc nào cũng có năm bảy người làm. Hôm tôi xuống làng, hàng trăm niêu cá kho đang được um trấu cho cạn nước nên những người làm chuyển sang cạo gừng và riềng. Ngay sát nơi kho cá là bể cá tạm quây bằng tấm bạt, chứa hàng chục con cá trắm đen nặng nề quẫy nước, có con nặng cả chục cân.

Mẻ cá này vừa được kéo lên lúc chiều - bà Xuyến bảo - đợi đến đêm thì sơ chế. Nhà cũng có sẵn ao nuôi cá (khoảng 1.000m2) nên sau khi mua cá về thường thả luôn xuống ao, bắt lên kho dần. Mỗi năm, cơ sở kho cá Hiền Xuyến phải mua gần 3 tấn cá mới đủ kho bán.

Dù có thể nói cả tiếng đồng hồ về cách kho cá nhưng bà Xuyến cũng chỉ cười khi nghe hỏi về nguồn gốc của món cá kho Vũ Đại: “Cũng chỉ là lớn lên thấy nhà thường kho cá để ăn tết vì được chia cá, chứ chịu, chả biết ai là tổ nghề kho cá ở đây”. Những người già ở Hòa Hậu cũng không rõ nguồn gốc món cá kho. Ông Trần Bá Luận thì giảng giải theo cách riêng: những năm còn bao cấp, các xóm, thôn, xã đều có ao chung.

Vào dịp cuối năm tát ao, gia đình nào cũng được chia cá để ăn tết, mỗi khẩu được chừng 1kg. Vì cả tết chỉ có cá (phần lớn là cá mè hoa) nên món cá thường được kho nhừ để ăn cả xương. Cá được bỏ vào nồi đất cùng rất nhiều muối và riềng, rồi um trấu cả ngày, khi nồi cá cạn cũng là lúc cá nhừ. Những miếng riềng khi ấy cũng trở thành thức ăn. “Có khi một miếng riềng ăn được hai bát cơm đấy”, ông Luận cười.

Đắt đỏ vì tỉ mẩn

Một niêu cá kho thường có ba khúc giữa của một con cá nặng ít nhất 1,5kg, có giá thành là 300.000 đồng, đưa đi đâu thì tính thêm phí vận chuyển, nồi to hơn, thêm một khúc cá thì giá tăng thêm, ngày tết có nồi 400.000 đồng, có nồi đến 500.000 đồng. Chẳng thể gọi đấy là một món dân dã rẻ tiền nữa rồi.


Ông Luận cũng có cách lý giải sự đắt đỏ ấy: “Hồi trước còn khó khăn, các cụ thường kho cá mè, cá trôi và cả cá rô đồng. Nhưng khi coi đây là một công việc có thể kiếm được tiền thì gia đình tôi chỉ kho cá trắm đen, rồi thêm giá các loại gia vị để kho, thành ra một nồi cá mới có giá cao như vậy”. Đất nông nghiệp ở Hòa Hậu chẳng còn bao nhiêu, nhiều nhà phải chuyển sang nghề dệt hoặc đi làm thuê, vườn tược cũng không nhiều nên hầu như các loại nông sản đều không sản xuất được.

Để kho một nồi cá, ông Luận phải tìm mua nguyên liệu từ khắp nơi: cá mua từ Nam Định, Ninh Bình; gừng, riềng đi cất từ mấy tỉnh miền núi về, đến củi, trấu cũng đi mua, nồi đất phải thửa từ Thanh Hóa. Củ riềng già vỏ đỏ tía mua về được cạo vỏ, giã vụn, thêm chút gừng, lót dưới đáy nồi một lớp. Rồi đến một lớp cá cắt khúc đều chằn chặn, nước mắm ngon và hạt tiêu gia giảm theo bí quyết mỗi nhà, đổ ngập nước để kho.

Riêng công đoạn kho liu riu trên bếp củi rồi ủ trấu cũng mất cả nửa ngày... Tất cả những tỉ mẩn, nhiêu khê ấy đều được tính vào từng miếng cá kho, nên nhà ông Luận chọn luôn cá trắm đen để kho, đã đắt thì cũng cho nó “xắt ra miếng”.

Hẳn nhiều người phải ơn cụ Nam Cao, bởi trong cái sự đắt “xắt ra miếng” ấy của món cá kho có phần góp quan trọng của cái tên làng Vũ Đại, cái tên làng mà hầu như người Việt Nam nào cũng biết với những câu nói, những nhân vật văn học trứ danh như Chí Phèo, Bá Kiến hay Thị Nở. Cũng chẳng biết được, hay biết đâu lại nhờ cái hồi ức xưa cũ của khối thị dân thời nay về những món ăn giản dị của nhà quê thuở nào?

“Tôi không phải họ hàng của ông Bá Kiến”

Hòa Hậu xưa nổi tiếng bởi có nhà văn Nam Cao và căn nhà nguyên mẫu của ông Bá Kiến trong chuyện Làng Vũ Đại ngày ấy, nay còn nổi tiếng hơn vì có thêm món cá kho. Nhưng không phải nhà ai ở Hòa Hậu cũng ăn cá kho. Ông xe ôm đầu làng đưa ra lý do đơn giản là “quá đắt” và “cũng chả ngon đến mức để đắt như thế”.

Món cá có lẽ chủ yếu chu du thiên hạ để làm dịu những cồn cào “thương nhớ đồng quê” của người thành phố hay Việt kiều xa quê ngày tết, cũng có thể vì hương vị giản dị của một món ăn thân quen, một lối nấu nướng không mấy cầu kỳ, một thức đồ nhắm không thanh tao ngấy chán trong những ngày tết dư thừa thịt mỡ...

Ông Luận khoe sẽ “mở rộng quy mô sản xuất món cá kho”, lại dự tính đầu tư vốn cho một số hộ nuôi cá để đảm bảo có nguồn nguyên liệu sạch, ổn định, để “có món cá kho thơm ngon, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm đưa đến người tiêu dùng”. Trong xã có chừng chục nhà kho cá bán, nhưng làm quanh năm với số lượng lớn thì chỉ có gia đình ông và gia đình bà Xuyến. Mỗi năm, vẫn chỉ nồi cá kho ấy thôi nhưng Hòa Hậu tiêu thụ hàng chục tấn cá.

“Tôi không phải là họ hàng của ông Bá Kiến đâu nhá”, ông Luận nói khi tôi chuẩn bị về, bởi ông kể có một vài nhà báo đã đặt câu hỏi, thậm chí viết ỡm ờ về mối quan hệ họ hàng của ông với ông Trần Bá Bính (nguyên mẫu cho nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm của Nam Cao). “Ở Hòa Hậu nhiều người họ Trần, nhưng tôi chỉ có họ hàng xa với cụ Nam Cao thôi”.

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Đây là hai món ăn đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên mà du khách sẽ được thưởng thức khi đến với buôn làng.

Cơm lam, gà sa lửa là hai món ăn đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên.
Cơm lam

Nói đến ẩm thực Tây Nguyên không thể bỏ qua món cơm lam dẻo mềm quyện trong cái mùi ngai ngái của ống nứa non truyền thống của người dân ở đây. Tiền thân của món ăn này xuất phát từ những chuyến đi rừng dài ngày của người đồng bào, không có xoong nồi, người ta đã sáng tạo bằng cách cho gạo vào trong những ống nứa và làm chín bằng cách nướng.

Tuy mộc mạc và đơn giản, nhưng với hương vị thơm ngon, lạ miệng, cơm lam đã dần trở thành món đặc sản để níu chân du khách mỗi khi đến Tây Nguyên.

Chỉ đơn giản là cơm lam với muối vừng nhưng nếu đã được thưởng thức một lần thì bạn không thể quên được

Nghe qua món ăn có vẻ đơn giản nhưng để có được những ống cơm lam chín đều, dẻo mềm đòi hỏi không ít công phu. Gạo dùng để nấu cơm lam phải là loại gạo nếp nương còn thơm hương lúa mới. Theo người dân Tây Nguyên, ngon nhất là chọn loại 'khẩu tan'(nếp tan), loại nếp này khi nấu chín cho hạt cơm dẻo, mềm cùng hương thơm thoang thoảng rất hấp dẫn.

Gạo vo sạch, rắc ít muối và trộn đều. Ống nứa dùng để nấu cơm phải là loại nứa ngô, còn non, chặt lấy ngang mắt nứa. Rửa sạch, cho gạo và nước vào, dùng lá chuối làm nùi lèn chặt đầu ống nứa. Những chiếc ống nứa sau khi đã nạp đủ gạo và nước được vùi vào trong bếp than hồng. Khi những ống nứa chuyển sang màu vàng cháy xém, cùng hương thơm thoang thoảng là cơm đã chín. Trong những buổi tối giữa núi rừng Tây Nguyên, một ống cơm lam, một chén muối vừng cũng đủ để du khách nếm trọn được hương vị núi rừng thấm đẫm trong từng hạt cơm chín mềm.

Gà sa lửa

Ngoài cơm lam thì gà sa lửa cũng là món ngon mà du khách nên ăn thử. Những con gà được nướng chín vàng quyện hương thơm của lá chanh, chỉ mới ngửi thôi đã thấy thèm. Ở Tây Nguyên hầu như địa bàn nào cũng có món ăn này, nhưng ngon nhất thì phải thưởng thức món ăn này ở bản Đôn (Đắk Lắk). Tiền thân của món ăn này là gà rừng, nhưng khi số lượng gà rừng không còn nhiều, người dân ở đây đã thây thế bằng những con gà thả vườn.

Gà chọn nướng là những con gà trên dưới 1kg, là gà tơ, thịt mềm nhưng không bở lại có vị ngọt ngon. gà được làm sạch, chặt dọc theo phần ức để bẻ đôi con gà nằm dẹp xuống. Ướp gà đều hai mặt với muối ớt chanh giã nhuyễn (loại muối hột to), một bí quyết nữa để món gà dậy mùi thơm đó là ướp thêm nước sả (sả giã lấy nước) vào gà.

Món gà sa lửa.
Gà sau khi ướp để trong khoảng 30 phút cho thấm gia vị rồi đem nướng. Những thanh tre được gập đôi lại, kẹp gà vào giữa cùng ít lá chanh và nướng chín trên bếp than hồng.Trong quá trình nướng, gà được trở đều tay để lớp thịt bên trong chín đều, lớp da bên ngoài vàng ươm đẹp mắt. Gà sa lửa được ăn kèm với muối hột giã nhuyễn, ớt xanh, chanh để hương vị thêm đậm đà.

Ngoài hai món ăn kể trên, gỏi cà đắng, gỏi rau rừng, rượu cần, canh chua cá lăng... cũng là những món ăn ngon của núi rừng Tây Nguyên mà bạn nên thử khi có dịp đến đây.

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Tam Đảo - thị trấn mù sương nức tiếng là nơi có phong cảnh đẹp, thời tiết ôn hòa và những đặc sản khó lòng quên nếu bạn đã đến đây một lần. Dưới đây là 3 đặc sản mà bất cứ du khách nào cũng phải nếm thử nếu lên Tam Đảo.

Ngọn su su xanh mướt

Su su được trồng khắp nơi, mọc tự nhiên trên khắp vùng núi Tam Đảo. Trên đồi cao, trong vườn nhà, bờ rào, hốc đá… đâu đâu ta cũng bắt gặp những giàn su su xanh tươi mướt màn. Từ lâu su su đã trở thành đặc sản của Tam Đảo, nên bất kỳ ai khi đến đây đều nghĩ ngay đến món su su luộc hay ngọn su su xào đã nổi tiếng nơi đây.


Nếu bạn ăn su su luộc, nhớ chấm thêm muối lạc vừng. Nếu bạn ăn ngọn su su, nhớ ăn kiểu xào tỏi thì không thể nào quên được thứ rau xanh quyến rũ lòng người đến vậy. Bạn có thể mua về làm quà cho bạn bè, người thân bởi ngọn su su ở đây vừa non, vừa sạch với giá từ 18.000 đến 20.000 đồng/ kg.

Chim cút nướng thơm lừng

Nếu bạn đã từng lang thang buổi đêm Tam Đảo, bạn không thể không ngửi thấy mùi chim cút nướng lan tỏa khắp không gian. Chim cút được chế thành nhiều món: quay, rán, nướng, xào ăn cùng xôi… Nhưng thú vị nhất phải kể đến món chim cút nướng nóng hổi, đang tỏa hương thơm lừng.


Gia vị dùng để tẩm chim cút bao gồm bột điều, hoa hồi, hoa quế, đường, ớt, tiêu… và không thể thiếu lá móc mật. Chim cút được nướng vàng giòn bên ngoài, bên trong thớ thịt trắng, dai thơm, ngọt ngậy mà không hề ngấy. Các du khách còn vừa ăn vừa khen chim chút nướng rất tốt cho khí huyết và xương cốt. Nếu là bạn, bạn có muốn thử món ăn tuyệt ngon này không?

Lợn đồi xiên nướng

Lợn đồi trên Tam Đảo lấy giống từ lợn rừng, được dân ở đây chăn thả, ăn rau rừng chứ không ăn cám nên thịt thơm ngon hơn dưới xuôi. Quả thật từng xiên thịt lợn nướng hương vị đặc trưng và thơm hơn hẳn. Gia vị ướp thịt cũng đậm đà và lạ miệng.


Thịt nướng được bán ở chợ, trong các quán ven đường nhưng thú vị nhất là khi đêm về trên thị trấn nhỏ, trong cái khí lạnh của núi rừng bao quanh mà được ngồi trong quán nướng dựng lều bạt và thưởng thức từng xiên thịt thơm hương đậm đà thì ngon không gì kể xiết. Giá một xiên thịt nướng dao động từ 10.000 đến 15.000 đồng tùy thời điểm.

Ngoài ra, Tam Đảo còn vô vàn những món ăn ngon miệng khác mà bạn có thể thưởng thức trong hành trình khám phá như cơm lam, gà bọc đất nướng, trứng gà nướng, bánh cuốn chả nướng than hoa, rượu sâu chít, chuối mắn, mít rừng...

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Bánh khúc làng Diềm, nem Bùi Ninh Xá hay bánh phu thê Đình Bảng là 3 đặc sản nức tiếng đất quan họ Bắc Ninh. Hãy cùng khám phá nét đẹp ẩm thực ở quê hương của những điệu hát quan họ nức lòng người này nhé!

Bánh khúc làng Diềm, Yên Phong

Chắn hẳn trong chúng ta, ai ai cũng đều nếm qua món bánh khúc. Nhưng phải được nếm thử món bánh khúc làng Diềm ở Yên Phong Bắc Ninh thì mới thấy được nét đẹp ẩm thực cũng như đặc sản bánh khúc trứ danh của địa danh này. Không biết từ bao giờ, bánh khúc làng Diềm (Yên Phong, Bắc Ninh) lại nổi tiếng và thu hút du khách gần xa như thế, chỉ biết rằng từng chiếc bánh khúc tròn nhỏ như nắm xôi ấy đã tạo nên một nét văn hóa ẩm thực riêng cho mảnh đất Kinh Bắc này.


Rau khúc là một loại rau dân dã của ruộng đồng. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, thì lại là mùa rau khúc bắt đầu mọc. Chẳng được vun trồng, chăm bón vậy mà rau khúc cứ tươi tốt mọc lên, hút chất dinh dưỡng từ đất mẹ mà xanh mơn mởn. Rau khúc chính là loại lá làm nên hương vị thơm ngon nổi tiếng của bánh khúc làng Diềm.

Bánh khúc làng Diềm có hai loại: nhân hành và nhân đỗ. Cách làm bánh khúc nhân đỗ đặc trưng với vị bùi của đỗ, vị ngậy của thịt mỡ và thơm của hạt tiêu. Bánh khúc nhân hành có khác hơn đôi chút: hành được dùng làm nhân bánh khúc nhất thiết phải là hành khô, cộng thêm mộc nhĩ, hạt tiêu, rau răm, thịt ba chỉ băm nhỏ trộn lẫn với nhau. Bánh khúc thường được người dân làng Diềm nặn với hai hình thù khác nhau, hình tròn như chiếc bánh rán hoặc hình tai voi. Dù trong hình sáng nào thì bánh khúc cũng được nặn thật khéo léo và không hề bị lộ nhân ra ngoài, mặc dù vỏ bánh rất mỏng.

Bánh khúc làng Diềm có chăng hấp dẫn người thưởng thức bởi bánh khúc là món ngon tổng hòa được các sản vật thiên nhiên ban tặng: từ cái dẻo thơm của nếp cái hoa vàng, vị bùi của đỗ xanh sánh quyện cùng vị béo của thịt ba chỉ. Tất cả làm nên vị mát lành, nồng ấm của món bánh khúc làng Diềm mà đi đâu chăng nữa, cứ đến Bắc Ninh là mọi du khách lại được muốn thưởng thức món bánh thơm ngon này một lần.

Nem Bùi Ninh Xá, Thuận Thành

Nếu có cơ hội đi trên con đường quốc lộ chạy từ Cầu Hồ - Thuận Thành đi Hải Dương, bạn hãy ghé vào bên đường, nơi có các quán dán biển hiệu nem Bùi để thưởng thức món ngon nổi tiếng đất Bắc Ninh này nhé! Nem bùi thơm nức mùi thính cùng vị sần sật, ngọt thơm và dai dai của thịt cuốn trong bọc lá chuối, ăn cùng lá sung, lá đinh lăng chấm tương ớt thì bao nhiêu mệt mỏi như tan biến hết.


Nem Bùi được khai sinh ở làng Bùi, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Để làm nem bùi, người Bắc Ninh phải lấy nguyên phần hông con lợn. Phần thịt nạc và thịt mỡ để sống, chỉ riêng phần bì là luộc chín rồi thái nhỏ tất cả, nêm gia vị tỏi ớt, bột ngọt trộn đều với thính nóng, sau đó để chín thịt, tiếp đến nắm chặt nem thành quả nhỏ bọc trong lá chuối. Ăn nem Bùi trong ngày vừa làm là ngon nhất, nếu không thưởng thức được ngay, bạn có thể bảo quản nem Bùi trong tủ lạnh được 2-3 ngày, nếu nem được đóng gói trong túi nilông sau đó hút chân không thì để được lâu hơn. Đến bây giờ, mỗi khi có dịp về Ninh Xá, nhiều du khách còn tranh thủ thưởng thức nem Bùi và tiện mua nem Bùi về làm quà cho người thân của mình, để làm lan xa hơn vị ngon của món nem đặc trưng xứ Kinh Bắc này.

Bánh phu thê Đình Bảng, Từ Sơn

Không giống như bánh phu thê bạn thường ăn với màu đỏ cam bắt mắt, bánh phu thê Đình Bảng ở Bắc Ninh lại dân dã với những chiếc bánh gói bằng lá dong màu vàng nhẹ của dành dành. Dưới lớp vỏ bánh sắc vàng trong suốt rắc lấm tấm những hạt vừng đen, nhân bánh phu thê hiện ra khiến người thưởng thức phải say mê...

Làm bánh phu thê không hề đơn giản như bạn nghĩ, người Đình Bảng làm bánh phu thê cũng tận tụy như chính những con người Bắc Ninh nơi đây vậy.Bột làm bánh phải được làm từ gạo nếp, xay bằng cối nước, sau đó lọc lấy chất tinh, ép cho ráo nước rồi phơi khô (còn bột thô thì bán cho hàng bánh rán). Tới khi làm bánh phải dùng nước quả dành dành nhào bột để lấy màu sắc tự nhiên chứ không được pha phẩm màu.


Để bánh có thêm độ giòn, người làm bánh còn nạo thêm đu đủ xanh ngâm phèn, cắt nhỏ cho vào bột bánh để đến khi ăn, bánh có cảm giác sần sật cực ngon miệng. Khi ăn bánh ta sẽ thấy độ dẻo của nếp, độ giòn của đu đủ, độ ngậy của đỗ xanh, vị béo của cùi dừa, vị bùi của hạt sen, vị ngọt của đường..., tất cả hòa quyện vào nhau làm thành hương vị rất riêng của bánh phu thê Đình Bảng.

Nhân bánh hình tròn nằm trong vỏ bánh bẻ khuôn hình vuông bằng lá dừa, như biểu tượng vuông tròn của triết lý âm dương. Người ta dàn mỏng bột lên khuôn, đặt nhân vào một đầu rồi đắp phần bột còn lại lên nhân như thể hiện sự ôm ấp, che chở của tình phu thê. Bánh gói xong được buộc dây rơm nếp, luộc xong, người ta tháo bỏ dây rơm, úp bụng hai chiếc bánh vào nhau rồi dùng lạt đỏ buộc thành cặp, có lẽ vì vậy mà người đời gọi là bánh phu thê.

Lá gói bánh phu thê cũng là lá dong đã được tước bớt cọng để khi gói bánh được mềm mại. Lá lót trong bánh là lá chuối tây dẻo luộc chín hong khô chứ không được dùng lá chuối tiêu. Người ta còn quét lên lá một lớp mỡ để khi bóc bánh không bị dính, lại làm cho bánh có độ ngậy đặc trưng. Với những ý nghĩa sâu sắc và hương vị thơm ngon đặc trưng này, nhất định bạn hãy nếm thử món bánh phu thê - biểu tượng cho sự hòa hợp của đất trời và con người, biểu tượng của tình cảm vợ chồng son sắt thủy chung.

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

Bánh dày Quán Gánh là đặc sản truyền thống của mảnh đất trăm nghề Hà Nội (Hà Tây cũ). Nổi tiếng từ rất lâu đời, trong làng Quán Gánh từ tờ mờ sáng nhà nào cũng vang lên tiếng chày giã bánh làm sôi động cả một vùng quê.

Làng Quán Gánh thuộc địa phận thị trấn Thường Tín. Từ hàng trăm năm nay bánh dày của làng luôn được xem là một món ăn dân dã mà thanh tao của ẩm thực Việt.


Ven Quốc lộ 1 qua địa phận làng Quán Gánh, từng dãy bán bánh dày xếp thành hai hàng dài, hàng nào cũng bày đều tăm tắp những gói bánh dày được gói bằng lá chuối xanh rờn, như chào mời, níu chân khách qua đường.

Khách qua đường lỡ bữa thường dừng chân ăn chiếc bánh, uống chén trà hoặc mua vài gói bánh về làm quà cho người thân. Ăn bánh một lần rồi nhớ mãi hương vị để lần sau có dịp đi qua nhất định lại ghé vào làng.

Chiếc bánh dày làng Quán Gánh có vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá chuối, độ thơm ngậy của đậu, thịt được pha trộn cùng với những hương liệu khác mà chỉ có người Quán Gánh mới làm nên được hương vị đặc trưng đó. 

Chiếc bánh dày ngon hay không, phần quyết định đầu tiên chính là ở khâu chọn gạo, đồ xôi. Gạo làm bánh phải là loại nếp trắng, dẻo thơm lấy từ vùng Hải Hậu (Nam Định), đem ngâm, đồ thành xôi. Xôi đồ vừa khéo, đủ độ để giã thành vỏ bánh dẻo thơm mà chỉ cần riêng vỏ bánh đều làm thành chiếc bánh dày chay, kẹp thêm miếng giò, người ăn đã cảm nhận được hương nếp trong từng miếng bánh quyện với vị giò thơm hương lá chuối.


Người giã gạo phải là người có sức khỏe dẻo dai, tay chày, tay cối, giã gạo ngay từ lúc xôi còn nóng, đến khi gạo thật nhuyễn, thật dẻo. Tiếng chày giã gạo mỗi sớm tinh sương từ bao đời nay đã trở nên thân thuộc với người dân làng Quán Gánh. Bánh dày có nhiều loại. Cùng với bánh dày chay còn có loại bánh dày nhân ngọt và nhân mặn. Bánh dày nhân ngọt là nhân từ đậu xanh xào đường. Nhiều người lại thích ăn bánh nhân mặn với đậu xanh, thêm ít thịt ba rọi, dừa và thơm mùi hạt tiêu. Mỗi loại bánh có một hương vị riêng.

Dừng chân thưởng thức chiếc bánh dày thơm ngon, khách qua đường còn bị hấp dẫn bởi câu chuyện kể lưu truyền về nguồn gốc nghề làm bánh dày ở làng Quán Gánh.

Chuyện xưa kể rằng, có người hành khất đi ngang qua làng Quán Gánh xin nghỉ trọ. Mặc dù ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu nhưng người hành khất vẫn được những người dân làng Quán Gánh đối đãi tử tế. Cảm động trước tấm lòng đôn hậu ấy, người hành khất đã truyền dạy cho dân làng cách làm một thứ bánh bằng gạo nếp, món bánh dày.

Câu chuyện xưa như phảng phất đâu đây trong hương nếp thơm dẻo. Khiến cho thực khách còn lưu luyến mãi. Nếu không có dịp đi qua làng Quán Gánh bạn có thể tìm những gánh hàng dày của các bà, các chị làng Quán Gánh đi bán dạo trên phố ăn cũng thấy… đỡ thèm.

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

Những chiếc bánh củ gừng được chế biến đơn giản nhưng lại có mùi vị thơm ngon, béo bổ, giòn ngọt từ bột nếp và trứng gà, trứng vịt. Tất cả những người phụ nữ người Chăm ở Ninh Thuận đều biết làm món bánh củ gừng này. Thông qua chiếc bánh còn thể hiện sự khéo tay của người phụ nữ Chăm.


Nguyên liệu để làm bánh củ gừng chính là bột nếp. Người ta sẽ trộn bột nếp cùng với trứng và gừng tươi giã nhỏ. Khi làm bánh củ gừng, người Chăm sẽ cho nước sôi vào trong bột để cho bánh dẻo và nặn dễ dàng hơn. Lòng trắng và lòng đỏ trứng gà sẽ được đánh cho nổi rồi bỏ bột nếp vào trộn thật dẻo. Cuối cùng cho bột vào cối nhỏ giã nhuyễn rồi lấy lên từng nắm và bắt đầu nặn. Bánh được nặn giống như hình củ gừng, bởi vậy, loại bánh này có tên là bánh củ gừng.

Bánh sau khi nặn xong bỏ vào chảo chiên cho thật vàng thì bánh mới cứng và giòn được. Tiếp đó, lấy bánh ra nhúng vào nước đường đã thắng giúp bánh bóng mịn và không bị cong. Cuối cùng gắp từng cái lên mâm phơi cho khô để tăng độ giòn cứng.

Bánh được nặn giống như hình củ gừng, vì vậy, loại bánh này có tên là bánh gừng

Muốn bánh củ gừng ngon thì phải chọn loại gạo nếp thơm, hạt to, trắng đục và không bị gãy. Gạo ngâm và vo kỹ rồi đi xay và đăng bột cho ráo, hoặc cũng có thể xay gạo thành bột khô. Ngoài ra, dầu ăn dùng để rán bánh phải được khử bằng nửa chén tỏi giã nát, bời vậy chiếc bánh sẽ có màu vàng và thơm.


Muốn cho bánh củ gừng để lâu mà vẫn giữ được độ giòn, người ta cho bánh chín nóng vừa mới lấy ra từ chảo dầu đang nóng nhúng vào nước đường được nấu với một ít gừng. Sau khi nhúng bánh được để chỗ có gió cho mau ráo.

Những chiếc bánh gừng được chế biến đơn giản nhưng lại có mùi vị thơm ngon, béo bổ, giòn ngọt từ bột nếp và trứng gà, trứng vịt. Tất cả những người phụ nữ người Chăm ở Ninh Thuận đều biết làm món bánh củ gừng này. Thông qua chiếc bánh còn thể hiện sự khéo tay của người phụ nữ Chăm.
Bánh gừng có mặt trong tất cả các lễ hội lớn và quan trọng của người Chăm

Ngoài cái tên bánh củ gừng, người Chăm còn gọi bánh gừng là “bánh giận hờn” vì nó có ý nghĩa liên quan đến truyện tích “Đá hòn vọng phu” của người Chăm - một câu chuyện cảm động về sự chờ đợi của người vợ Nai Chrao Cho Phò. Nàng đã làm bánh gừng và mang lên tảng đá ngồi ăn và chờ chồng cho tới khi bị hóa đá.

Theo phong tục Chăm, bánh gừng có mặt trong tất cả các lễ hội lớn và quan trọng. Đặc biệt nhất là trong các lễ cưới, lễ hội, tết Katê, bánh gừng bao giờ cũng đặt trên hết, cùng với bánh tét và bánh gang tay. Trong những ngày lễ trọng đại ấy, người ta ghim những chiếc bánh gừng vào các que tre, cắm xung quanh chiếc trụ tròn bằng gỗ hay đất sét trang trí hoa văn sặc sỡ bằng giấy màu rồi đem chưng trên bàn thờ.

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

Bánh ngải cứu của người Tày có hình dáng khá giống với món bánh dày của người dân tộc kinh. Bánh ngải tròn và dẹt được bọc trong lá chuối xanh nõn nên bánh có màu xanh thẫm mát lành.

Không chỉ là món ăn quen thuộc của người Tày trong dịp mừng lúa mới hay lễ tết, bánh ngải cứu còn trở thành một món ăn đặc sản mà khách du lịch không quên thưởng thức khi đi qua vùng đất xứ Lạng.


Nguyên liệu chính để làm nên món bánh ngải cứu chính là lá ngải cứu. Do khí hậu ở Lạng Sơn lạnh hơn nhiều nên lá ngải cứu ở đây khác nhiều hơn so với các vùng khác. Lá có vị thơm và đặc biệt là ít vị đắng.

Ngải cứu sau khi được người dân hái về sẽ được rửa sạch và trải qua một giai đoạn chế biến khá cầu kì. Bước đầu tiên người ta sẽ luộc ngải cứu trong nước vôi, điều này giúp lá giữ được màu xanh tươi, trông hấp dẫn hơn nhiều. Sau đó, ngải cứu sẽ được thái nhỏ và cho vào chảo nóng xao lên. Khi xào phải chú ý cho lửa vừa phải và dùng đũa đảo đều nhằm giúp ngải cứu bớt đi vị đắng.

Để làm được món bánh ngải cứu, người ta còn dùng gạo nếp đồ thành xôi và trộn với lá ngải cứu. Khi xôi đồ chín được giã đều trong cối đá hoặc cối gỗ cùng với những nắm lá ngải. Theo phong tục của người Tày thì công việc này chỉ dành cho những người nam giới.

Sau khi xôi và lá ngải cứu đã được dã đều và hòa quyện vào nhau, người ta bắt đầu công đoạn nặn bánh. Nhân bánh ngải cứu được làm bằng hạt vừng rang vàng, giã vụn rồi nấu cùng đường phên. Nặn bánh ngải xong, người ta sẽ quét một lớp mỡ ngoài cùng để cho bánh không dính vào nhau, món ăn lại có sự bóng bẩy hấp dẫn. Cuối cùng, người ta sẽ hấp cách thủy bánh trong vòng 5 phút để bánh nóng đều rồi vớt ra để ráo.


Bánh ngải cứu của người Tày có hương vị thơm dẻo của bột nếp, điều đặc là ngải cứu không còn vị đắng. Khi ăn, người ta sẽ cảm nhận được vị bùi, ngọt ngào của nhân vừng hòa trong cái dẻo mềm, thơm tho của bánh nếp bọc lá chuối.

Theo người Tày sinh sống tại Lạng Sơn, những người con gái không biết làm bánh ngải thì không được coi là con gái Tày. Chính vì vậy, bánh lá ngải đã trở thành một món ăn truyền thống được lưu truyền từ đời này qua đời khác và là một món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ tết của người Tày.

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Từ xa xưa ông cha ta đã sáng tạo ra những món ăn ngon đầy hương vị thôn quê của làng Việt, một trong số đó món bánh đúc lạc nổi tiếng. Bánh đúc lạc là món ăn rất dân dã và thân thuộc đối với nhiều người dân Việt Nam và trở thành món ăn truyền thống được nhiều người yêu thích.

Bằng nguyên liệu sẵn có từ tự nhiên đó là bột gạo và lạc cùng cách làm cực kỳ đơn giản, đảm bảo ai một lần đọc qua thôi cũng có thể học được cách làm bánh đúc lạc thơm ngon lạ miệng này


Nguyên liệu:

-1.5 lít nước
- 20ml nước vôi trong
- 500g bột gạo ngon
- 1/2 muỗng cà phê muối
- 20ml dầu ăn
- 200g đậu phộng nguyên hạt (lạc)

Cách làm bánh đúc lạc ngon

Đầu tiên bạn ngâm lạc với nước cho nở trong vòng khoảng 6 tiếng sau đó bạn nhớ luộc chín nhé!

Tiếp đến bạn hòa 1,5 lít nước cùng với 500g bột gạo đã chuẩn bị sẵn, sau đó cho 1/2 muỗng cà phê muối hòa cùng 20ml nước vôi trong vào hỗn hợp rồi khuấy đều.

Tiếp theo bạn bật bếp cho hỗn hợp vào nồi và vừa đun vừa khuấy đều tay bạn nhé. Làm như vậy bột sẽ không bị vón cục và không bị sống ở giữa.

Đợi đến khi nào thấy bột đặc lại thì thôi nhé. Khi khuấy bột bạn nên để ý xung quanh nồi nếu thấy bột không bám lên thành nồi nữa là được


Sau khi bột đã chín bạn khuấy đều và cho 20ml dầu ăn vào từ từ và đậy nắp nồi và đun nhỏ lửa khoảng 15 phút cho bột được nở và đều dầu ăn.

Sau đó chúng ta mở nắp nồi và khuấy đều như ban nãy và tiếp tục đun nhỏ lửa trong khoảng 15 phút nữa là được. Bạn lặp lại bước này thêm một lần nữa và đun lửa lớn một chút trong khoảng từ 5-10 phút đợi đến khi bột sánh và vừa đặc thì thôi.

Tiếp đến bạn nhanh tay cho lạc đã luộc vào trộn đều với bột. Trộn thật đều để lạc được dải đều khắp bánh.

Sau đó bạn cho bột trong nồi ra mâm hoặc đĩa đã rửa sạch và để nguội. Sau khi bánh đã nguội bạn dùng dao nhỏ cắt bánh theo miếng vừa ăn và cắt tạo hình theo ý muốn.

Để món bánh đúc lạc được thơm ngon đậm đà hơn chúng ta nên ăn kèm với nước chấm tương hoặc muối vừng nhé, bạn hòa lẫn 1/2 chén tương bần + 1 muỗng đường trắng, khuấy đều lên, thêm ớt bột tùy thích là có ngay nước tương chám thơm ngon rồi. Hoặc lạc đã rang chín bạn giã nhỏ hoặc xay cùng chút muối mè vừng, chấm ăn kèm bánh đúc lạc cũng khá hay ho đấy.

Thành phẩm


Khi ăn bánh đúc bạn sẽ được tận hưởng cảm giác mềm mềm trong miệng. Làm bánh đúc thành công là khi bánh có màu trắng ngà đẹp mắt, bột bánh không được cứng quá cũng không được nát quá. Pha thêm bát tương hoặc muối vừng để ăn kèm là chuẩn nhất rồi.

Với vị bùi bùi của lạc hòa lẫn với mùi thơm của bột gạo chắc chắn món bánh đúc truyền thống này sẽ không khiến bạn thất vọng.

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Hà Nội đang vào mùa hoa bưởi. Cùng làm mía ướp hoa bưởi thanh tao làm thức quà chiều. Vị ngọt của mía hòa quyện với hương hoa bưởi sẽ khiến bạn mê mẩn.


Nguyên liệu

- Mía cây
- Hoa bưởi
- Túi nilon - tốt nhất là dùng túi ziplock cho vệ sinh bạn nhé!


Cách ướp

Nhặt bỏ lá ra khỏi hoa bưởi, bạn hãy lựa chọn những bông còn tươi và cánh hoa chưa nở cong hết nhé.

Bỏ vỏ rồi chẻ mía, bạn dùng dao cắt mía thành các khúc nhỏ.

Bạn dùng túi nilon để cho mía vào trước rồi nhanh chóng thả hoa bưởi vào cùng. Tiếp đó, bạn đóng chặt túi lại hoặc có thể lấy dây chun để cột miệng túi nha.


Thành phẩm

Sau đó, bạn có thể đặt túi mía ở một nơi thoáng mát, vẩy nước quanh túi nilon để tạo độ ẩm, tiến hành ướp ít nhất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Hoặc là, bạn có thể để túi trong ngăn mát tủ lạnh ít nhất 30 phút.

Mía ướp hoa bưởi có cách làm đơn giản, tận dụng được hương thơm dịu dàng đến nao lòng của loại hoa thanh tao mà tinh tế này. Cắn từng miếng mía, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt quyến rũ của mía quyện chặt với hương thơm hoa bưởi, đây chính là một món ăn vặt đặc trưng của ẩm thực miền Bắc khi vào mùa hoa bưởi. Ngoài chợ, hoa bưởi đang được bán rất nhiều với hương thơm nồng nàn, bạn hãy tự tay lựa những cành hoa thật đẹp, thật thơm để làm món quà vặt này nhé!

Chúc các bạn thực hiện thành công!
Được tạo bởi Blogger.

Pages

Ordered List

Popular Posts

Recent Posts